Thành lập Cộng_hòa_Xô_viết_Hungary

Béla Kun, lãnh đạo Cách mạng Hungary 1919

Đảng Cộng sản khi đó là phe đối lập với chính quyền, thường xuyên lãnh đạo các cuộc tuần hành, đình công của người dân. Khi đó, Trung tá quân đội Pháp Fernand Vix gửi chính phủ Hungary văn bản Vix Note đòi Hungary rút quân khỏi những vùng đất dự kiến sẽ cắt cho các nước phe Hiệp ước. Chính quyền Hungary quyết định chống lại. Để có thêm đồng minh, chính phủ Károlyi quyết định hợp tác với Đảng Cộng sản và tìm cách liên hệ với Hồng quân Xô viết Nga.

Ngày 20 tháng 3, Károlyi thông báo rằng chính phủ Dénes Berinkey sẽ từ chức. Ngày 21 tháng 3, ông thông báo với Hội đồng Bộ trưởng chỉ có Đảng Dân chủ Xã hội có thể thành lập chính phủ mới, vì họ là bên có công lao lớn nhất. Để hình thành một liên minh cầm quyền, Đảng Dân chủ Xã hội bắt đầu các cuộc đàm phán với lãnh đạo Cộng sản.

Theo yêu cầu của Béla Kun, Đảng xã hội dân chủ và Đảng Cộng sản hợp nhất lấy tên là Đảng xã hội chủ nghĩa Hungary, tiến tới thành lập một chính phủ xô viết.[3]

Lãnh đạo của nước Cộng hòa Xô viết Hungary. Tibor Szamuely, Béla Kun, Jenő Landler. Đài tưởng niệm ở Budapest.